Triển lãm"Nối hai thế kỉ" kết thúc cuối tháng 03/2013, thật khó khăn để gặp nhà sưu tập tranh Nguyễn Sĩ Dũng, bởi ông còn bận nhiều công việc, đặc biệt là đợt soạn thảo Hiến pháp lần này.
Tranh thủ 20 phút trước giờ nghỉ trưa, cuộc trò chuyện với Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thật đáng giá.
Chính khách tìm tranh trên gác mác
Đúng như lời họa sĩ Phạm Lực đã kể, họ gặp nhau một cách tình cờ trên đường Nguyễn Sĩ Dũng đi công tác, cách đây đã gần 20 năm. Thấy Phạm Lực phơi bức tranh "Cô gái nằm võng" trên đường, ông dừng lại hỏi mua. Và từ tò mò, xem thêm những bức tranh khác.
"Trước đó tôi cũng có mua tranh của họa sĩ VN và họa sĩ nước ngoài (Thụy Điển, Đan Mạch, Bỉ, Ý...) nhưng chỉ để trang trí trong nhà. Đó không phải là những bức nổi tiếng, chúng có thể được bày bán ở chợ, chỉ vì mình thấy nó đẹp nên mua. Sau này khi gặp anh Lực, tôi thấy tranh của anh đẹp quá mà ít người để ý mới nảy ra ý định sưu tập."
TS Nguyễn Sĩ Dũng giới thiệu tranh với đại sứ Đan Mạch tại triển lãm |
Đó là một sự ngẫu nhiên xuất phát từ một thú chơi. Nhưng từ thú chơi đã biến một người của sự nghiệp chính trị thành một nhà sưu tập tranh tay ngang, thích đắm mình trong đường nét và màu sắc. "Điểm đồng cảm lớn nhất với tranh của anh Lực là hồn quê hương, sau nữa là sự kết hợp kỳ lạ của hội họa Pháp và nét truyền thống Việt Nam. Tranh của anh đạt được phẩm cấp rất cao về kỹ thuật của hội họa Pháp đầu thế kỉ 20, nhưng đồng thời thấm đẫm tinh thần Việt".
Tranh đáng yêu như thế qua cảm nhận của ông, nhưng không phải ai cũng thích tranh - mà đặc biệt - không phải ai cũng mua tranh như một món quà tặng vợ. Nhưng con gái của nhà thơ Đình Hải cũng là một người thích tranh, yêu tranh. "Tôi muốn mua tặng bà xã một cái gì đó thuộc về giá trị tinh thần, thẩm mỹ. Hồi ấy còn trẻ nên nhiều lãng mạn hơn bây giờ" - ông nhớ lại.
"Đãi hến" - tranh của họa sĩ Phạm Lực |
Nguyễn Sĩ Dũng bắt đầu sưu tập tranh của Phạm Lực từ cuối những năm 1990 "Tranh chất đống trên các tầng gác. Có quãng thời gian gần 10 năm, trưa nào tôi và anh Lực cũng ăn cơm với nhau. Buổi trưa tôi phóng xe máy lên nhà anh, hai anh em nói chuyện, xem tranh, ăn cơm. Lúc được anh Lực cho phép "đào xới" nên tôi tìm được những bức tranh còn sót lại - xưa nhất là năm 1963 lúc anh mới 20 tuổi. Buổi trưa nắng nóng, lần nào tôi lên gác mái mồ hôi cũng ướt đầm như tắm.
"Chưa có nghiên cứu cụ thể, tôi tạm chia tranh của anh Lực ra làm 2 thời kì: thời kì chiến tranh và thời kì hòa bình. Những bức vẽ trong thời chiến tranh lại là những bức đẹp nhất. Khi đó còn thiếu thốn nghiên vật liệu, anh Lực phải vẽ trên bao tải. Bức tranh có hiệu ứng thô nhám, ăn màu nhờ nét vẽ rất khỏe của họa sĩ; chứ nếu tỉa tót thì chưa chắc đã ra", ông phân tích với sự trầm ngâm thú vị.
"Lúc đó tôi sưu tập gần như không tốn kém" - ông cười - "vì chưa có nhiều người biết đến, chưa có cái gọi là thị trường tranh, hơn nữa anh Lực là một người rất khoáng đạt. Có những khi tôi đưa người nước ngoài đến mua tranh, anh phát giá, rồi thấy bạn tần ngần anh lại hỏi "Bạn không đủ tiền à? Thế trả bao nhiêu thì trả". Tính anh như thế, không coi trọng tiền".
"Nữ dân quân chở con trên xe đạp" Một số tranh của họa sĩ Phạm Lực thời kì đầu được vẽ trên bao tải. |
Nhà sưu tập tay ngang này bảo quản tranh theo cách rất lạ, một kiểu "tiết kiệm hiệu quả" rất Việt Nam. "Ở tầng cao nhất trong nhà, tôi bỏ một lớp báo rồi lại đặt một bức tranh. Cứ thế. Không có máy hút ẩm đâu, lâu lâu tôi mới thay lớp lót nhưng thấy giấy báo quả thực hút ẩm rất tốt".
Thẩm mĩ, đạo đức mới có sức trường tồn
Ông cho biết, trên thế giới, nhiều chính trị gia chơi tranh, yêu tranh, ở Việt Nam hiếm hơn, cũng có một vài người. "Nước ngoài họ có điều kiện cảm thụ nghệ thuật hơn mình, do được đào tạo, tiếp cận từ nhỏ. Ở mình do thời gian chiến tranh, do mô hình tổ chức giáo dục... nên khả năng cảm thụ nghệ thuật của một số thế hệ còn hạn chế. Rất đáng tiếc."
Ông tâm sự: "Chân - Thiện - Mỹ là 3 giá trị tồn tại bên nhau, nếu không cảm thụ được cái đẹp của đường nét, âm thanh và các giá trị văn học nghệ thuật, thì cũng khó cảm nhận được vẻ đẹp của đạo đức, hành vi, lối sống.
Muốn giáo dục con người phát triển, phải giáo dục được cả khả năng cảm nhận cái đẹp. Một xã hội tốt đẹp, nhân văn, đáng sống... thì những điều này rất cần, chứ không phải là sở hữu một núi tiền mà không có cảm xúc về thẩm mĩ, hành vi.
"Ước mơ và hiện thực" - tranh của họa sĩ Phạm Lực |
Cái trường tồn không phải là sức mạnh bạo liệt mà là sức mạnh của đạo đức. Ai có sức ảnh hưởng tới con người nhiều như Đạo Phật, dù Phật chỉ nói về đạo đức, về lòng thương người, từ bi hỉ xả....?
Trong cuộc sống, đơn cử có Nelson Mandela. Ông mạnh dù ông không cần cầm quyền, chỉ lên 1 nhiệm kì mà không ứng cử lại. Nhưng ai có sức truyền cảm mạnh hơn ông ấy? Bây giờ người ta có khái niệm quyền lực mềm. Đó là thứ có sức hấp dẫn và lan tỏa hơn quyền lực cứng, là lâu bền, tốt đẹp hơn với xã hội loài người".
Copyright © 2016 KHUNG ĐẸP . All Rights Reserved. Design by EMSVN.COM