Triển lãm tranh Hồi cố, cảm xúc lẫn tiếc nuối

TTO - Hồi cố - triển lãm mỹ thuật của nhiều tác giả Huế danh tiếng vừa khai mạc tại Huế - đang gây chú ý bởi sự xuất hiện của nhiều tên tuổi tài danh, kể cả một tên tuổi được xem “ông tổ” nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Triển lãm tranh Hồi cố, cảm xúc lẫn tiếc nuối
Thiếu nữ bên hoa sen (lụa, 50x70cm, năm 1946) của Tôn Thất Đào.

Đã từ lâu ở Huế, hiếm có buổi khai mạc triển lãm nào lại tập trung đông người với nhiều thành phần, nhiều thế hệ như tại triển lãm Hồi cố.

Ngoài các nghệ sĩ Huế và giảng viên, sinh viên mỹ thuật, còn có nhiều chính khách và đông đảo bạn trẻ. Nhiều người chú ý đến hai bức chân dung truyền thần (chụp lại từ tranh) của họa sĩ Lê Văn Miến, người được xem là “họa sĩ tây học đầu tiên với những tác phẩm vẽ sơn dầu xưa nhất của nền mỹ thuật VN hiện đại”.

Sự chú ý rất đặc biệt với những tuyệt tác của họa sĩ Tôn Thất Đào, hiệu trưởng đầu tiên Trường mỹ thuật Huế, gồm: Thiếu nữ bên hoa sen, Ngự Bình, Thiếu nữ trong vườn và Tam quan chùa Từ Hiếu. Sự ngẩn ngơ không kém phần đối với bốn tuyệt tác của họa sĩ Phạm Đăng Trí, đó là Liễu Quán, Người suối bạc, Sâu lắng  Thuyền âm.

Kế đến, đây cũng là lần hiếm hoi được xem tận mắt các tác phẩm của Lê Yên, Phan Xuân Sanh, Trường Thiên, Đỗ Kỳ Hoàng hay Hải Bằng. Tác phẩm của Phi Hùng, người thường trình bày họa phẩm trên bìa những tờ “nhạc bướm” của nhà xuất bản Tinh Hoa lừng danh một thời của Huế cũng gây tò mò. Người xem cũng bồi hồi trước những tác phẩm của các tác giả là “thế hệ vàng” kế tiếp như Dương Đình San, Bửu Chỉ, Đinh Cường hay Tôn Thất Văn...

Không chỉ mỹ thuật, bản thiết kế Cửa chính Trường Quốc Học của Tôn Thất Sa được hàng trăm cặp mắt “soi” từng tí một. Ngoài chiếc cổng, nhà bảo vệ và bức tường thành cổ kính, bản thiết kế cung cấp cho người xem thông tin thú vị: bức bình phong long mã tuyệt tác, sau này trở thành hình ảnh biểu tượng độc đáo của Festival Huế đã tồn tại từ trước năm 1959.

Theo lời của đại diện nhà tổ chức, nhạc sĩ Lê Phùng, chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế, cùng với ý nghĩa tưởng nhớ đến các thế hệ nghệ sĩ tài danh đã quá cố, triển lãm còn là “mạch nguồn truyền cảm hứng” đối với các văn nghệ sĩ hôm nay. 

Có thể thấy nỗ lực của nhà tổ chức khi tập hơp được nhiều tuyệt tác song, đáng tiếc là nhiều nhà chuyên môn cho rằng, khá nhiều tác phẩm không là đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật và tài năng của tác giả. Kế đến, không gian của triển lãm, chỉ là ba gian phòng cũ kỹ, chật hẹp và chia cắt, làm các tác phẩm trong tình trạng chen chúc, rất khó chịu cho người xem.

Triển lãm quy tụ 36 tác phẩm thuộc nhiều giai đoạn, trường phái, phong cách cũng như chất liệu của 15 tác giả tài danh đã quá cố và sẽ kết thúc vào chiều 22-9

Ông Lê Phùng thừa nhận những ý kiến nêu trên là xác đáng. Ông chia sẻ nhiều điều khó khăn như: hầu hết tranh đều đi mượn các gia đình trong khi thân nhân không giữ được tác phẩm quý; tổng kinh phí triển lãm chưa đến 20 triệu đồng; và cố đô Huế hiện không có “không gian đàng hoàng” nào xứng tầm để triển lãm... 

Đúng như nhận xét của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn: “Phòng ốc hẹp như vậy mà trưng bày chừng đó tranh thì quá chật chội, không đủ không gian dành cho các bức tranh phục vụ sự thưởng ngoạn đúng nghĩa!”. Ngoài ra, còn thiếu vắng tác phẩm của họa sĩ quá cố điển hình, mà Ngô Viết Thụ là trường hợp được nhiều người nhắc đến...

Nhân tiện, ông Phùng nói “một bảo tàng mỹ thuật cho Huế đang trở thành vấn đề cấp bách”. Nhiều nhà chuyên môn cũng cùng quan điểm: Huế là trung tâm mỹ thuật lớn, có truyền thống lâu đời và trữ lượng dồi dào, nhưng việc hình thành bảo tàng mỹ thuật của chính quyền quá chậm chạp đến mức rất khó hiểu...

Triển lãm tranh Hồi cố, cảm xúc lẫn tiếc nuối
Thuyền âm (lụa, 60x100cm, năm 1973) của Pham Đăng Trí.
Triển lãm tranh Hồi cố, cảm xúc lẫn tiếc nuối
Tráng sĩ mài gươm (sơn dầu, 70x86cm, năm 1983) của Nguyễn Khoa Toàn.

Tin liên quan